Dưới đây là những lỗi bạn, nhóm của bạn hay mắc phải cũng có thể là không nhưng hầu hết không thể tránh khỏi một vài sai sót và có thể là còn nhiều lỗi nữa. Bạn, nhóm của bạn có nhìn nhận ra các sai sót đó chưa. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm ra những lỗi của bạn đồng thời giúp cho việc thực hiện project được tốt hơn.
I. Định hướng:
– Nhóm có nhiều người làm sẽ gánh cho mình, không sợ điểm kém.
– Nhóm toàn người kém, mình có cố gắng cũng vô ích.
– Làm project không thực tế, chẳng để làm gì cả.
– Đề bài quá tầm thường, không có chỗ cho mình thể hiện.
– Lỗi lớn: Chỉ cần làm đại khái, kiểu gì cũng qua.
II. Layout và bố cục sản phẩm:
– Kích cỡ và tỷ lệ không phù hợp với các khổ thực tế trên thị trường, thậm chí có nhóm còn tùy tiện để kích thước có số rất lẻ đến hàng mm.
– Bố cục thường chỉ mang tính sắp xếp cho kín nền, ít ý thức sáng tạo chính phụ, tương phản, tạo nhịp, tạo chiều sâu…
– Một số trường hợp tạo họa tiết trang trí nền theo kiểu văn phòng, rườm rà, thiếu thẩm mỹ hiện đại, không mang tính đồ họa và dễ gây phản cảm.
– Lỗi lớn: Các mảng hình và chữ trong sản phẩm không hề căn lề với nhau, trong khi chỉ chênh lề với nhau với kích thước rất nhỏ.
III. Màu sắc:
– Gam màu thường tùy tiện không đúng với mã màu chuẩn quy định kèm theo logo.
– Gam màu không thống nhất từ đầu giữa các thành viên trong nhóm nên mỗi nhóm sản phẩm 1 gam màu khác nhau.
– Gam màu chung chung, chưa sát hoặc không phù hợp với tính chất của doanh nghiệp hoặc sản phẩm.
– Gam màu cảm tính, thường ít khi đủ 3 sắc độ đậm, trung gian và nhạt.
– Dùng quá nhiều màu và hiệu ứng trong sản phẩm có diện tích rất nhỏ hoặc không phù hợp với in nhiều màu như namecard, notepad, giấy viết thư, phong bì …
– Lỗi lớn: Gam màu quá quen thuộc hoặc cũ, bị làm yếu nhiều do lạm dụng hiệu ứng, không mang tính hiện đại.
IV. Typographic:
– Dùng quá nhiều font trong 1 bộ sản phẩm.
– Các font không ăn nhập với sản phẩm hoặc không ăn nhập với nhau.
– Dùng nhiều font bắt mắt trong máy, ít cách điệu font có sẵn, ít sáng tạo.
– Dùng các font cầu kỳ vào những chỗ nhiều chữ hoặc size chữ quá nhỏ.
– Size chữ cho phần Nội dung, Địa chỉ, Thông tin phụ chú … thường quá lớn so với thực tế (trung bình nên nhỏ hơn size 10, lớn hơn size 7 tùy theo font).
– Lỗi lớn: Các phần chữ rất ít căn lề với nhau trong 1 diện tích nhỏ hoặc cách căn lề không thống nhất trong bộ văn phòng.
– Lỗi lớn: Chuyển quá nhiều màu hoặc hiệu ứng trên các font khác nhau, các font có size nhỏ, font có chân nhỏ hoặc nét cơ bản nhỏ.
V. Quản lý file:
– File trình bày để trong usb và thường để lộn xộn với rất nhiều thư mục khác, lúc lên trình bày mở ra nhìn thiếu nghiêm túc và trang trọng.
– Sắp xếp file thành nhiều thư mục JPEG rời, không đưa phần mềm chạy tự động như Power Point, Adobe Reader, Acrobat … mà thuyết trình đến đâu mở đến đấy, lộn xộn, mất thời gian.
– Có nhóm đưa vào được phần mềm chạy tự động nhưng lại không thử trước, lúc lên trình bày không biết thao tác, lúng túng.
– Lỗi lớn: Làm file trình bày ở 1 nơi, thuyết trình không copy theo thư mục Font hoặc không convert thành file ảnh nên lúc trình bày Font bị lỗi.
VI. Giao diện trình bày:
– File trình bày thường được đặt lên nền không có template hoặc template không thống nhất giữa các phần với nhau.
– Mã màu chuẩn quy định 1 kiểu nhưng thiết kế lại dùng gam màu khác.
– Logo thường được đặt lên ô lưới ca rô 1 cách đại khái mà các cạnh ngoài cùng của logo không tiếp xúc với đoạn thẳng nào trong lưới, như vậy không nói lên được tỷ lệ chuẩn và cách thức dựng hình của logo.
– Hình ảnh đưa vào sản phẩm được chọn tùy tiện và xử lý không kỹ, không có hiệu quả đồ họa.
– Lỗi lớn: Thiết kế được trình bày vào nền tùy tiện kèm theo ít chữ giống như bản nháp văn phòng, thiếu nghiêm túc.