Ý tưởng làm project

Ý tưởng sản phẩm là ý tưởng dẫn dắt nhằm làm nội dung, đặc tính của 1 sản phẩm nào đó. Ý tưởng thể hiện dựa trên ý tưởng sản phẩm và đem lại cho sản phẩm 1 hình thức phù hợp nhất với đặc tính của nó, thường là về tạo hình, màu sắc. Việc chỉ xây dựng ý tưởng trên máy tính sẽ làm sản phẩm dễ mất đi tính thực tế, khó khả thi.

I. Định Hướng:

1. ý tưởng đồ họa thường bao gồm ý tưởng sản phẩm + ý tưởng thể hiện:

–      Ý tưởng sản phẩm là ý tưởng dẫn dắt nhằm làm nội dung, đặc tính của 1 sản phẩm nào đó. Ví dụ: logo của FEDEX có mảng hở giữa chữ E và chữ X tạo thành hình mũi tên, thẻ hiện lĩnh vực kinh doanh của FEDEX là công ty chuyên về dịch vụ chuyển phát nhanh.

–      Ý tưởng thể hiện dựa trên ý tưởng sản phẩm và đem lại cho sản phẩm 1 hình thức phù hợp nhất với đặc tính của nó, thường là về tạo hình, màu sắc. Ví dụ Marlboro thì ý tưởng sản phẩm là hình những chàng trai nam tính, phong trần, còn phần thể hiện là các họa tiết mảng đỏ trắng xuất hiện trên khắp các bao bì, đồ khuyến mại… tạo thành dấu hiệu nhận biết quen thuộc dù người tiêu dùng không cần nhìn thấy logo của Marlboro.

–      Có nhiều sản phẩm thì 2 ý tưởng trên không nhất thiết có sự phân định rạch ròi. Ví dụ như Coca-Cola thì ý tưởng sản phẩm cũng như ý tưởng thể hiện đều là gam màu Đỏ – Đen – Lục – Trắng thống nhất.

2. Thể hiện ý tưởng ở đâu:

–      Thông thường ý tưởng sản phẩm thể hiện được nhiều nhất trên logo và các poster về sản phẩm. Phần ý tưởng thể hiện sẽ áp dụng cho các sản phẩm kèm theo như các ấn phẩm giấy tờ văn phòng, các sản phẩm marketing, bao bì, nhãn mác,…các sản phẩm truyền thông như web, sách vở, báo chí …

–      Sản phẩm nào cũng đều có thể áp dụng ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên tùy theo loại hình kinh doanh mà các ý tưởng cần được nắn theo phong cách của dòng sản phẩm ấy cho phù hợp. Ví dụ công ty chuyên về Luật sẽ không phù hợp với các ý tưởng sáng tạo kiểu funny, stylish …

3. Tầm quan trọng của ý tưởng đồ họa:

–      Ý tưởng đồ họa là xương sống cho hình thức của 1 sản phẩm đồ họa. Nếu không có ý tưởng hoặc ý tưởng không rõ ràng xuyên suốt sẽ đem lại cho sản phẩm 1 hình thức lộn xộn, không có hệ thống thống nhất, làm khách hàng cũng như người tiêu dùng khó nhớ, khó nhận biết, thậm chí phản cảm với sản phẩm đó.

–      1 công ty hoặc 1 sản phẩm đẳng cấp càng cao thì sự thống nhất, xuyên suốt trong thể hiện đồ họa càng cao và rõ ràng.

II. Thực hiện:

1. Hiểu rõ về sản phẩm mình sẽ thể hiện: 

–      Ý tưởng là giải pháp sáng tạo cho sản phẩm nên ta có thể nghĩ ra vô số ý tưởng cho nó. Chính vì thế chốt lại hướng sáng tác ý tưởng như thế nào đòi hỏi người thiết kế phải nắm rõ về sản phẩm càng nhiều càng tốt.

–      Mỗi loại sản phẩm thường gắn liền với văn hóa tiêu dùng riêng, cần nắm rõ cả đối tượng mà sản phẩm đó hướng tới. Ví dụ nước hoa cho nam giới không thể áp dụng màu sắc và họa tiết mềm mại, điệu đà như cho nữ giới.

–      Hiểu không rõ về sản phẩm sẽ làm thiết kế bị lan man, không tập trung vào sản phẩm và hình thức thường chung chung, thậm chí làm hỏng hình ảnh thương hiệu của sản phẩm đó.

2. Tiêu chí xây dựng:

–      Tiêu chí xây dựng ý tưởng thường hướng đến thỏa mãn 4 đối tượng chính:

a.    Bên đặt thiết kế (khách hàng trực tiếp): Ví dụ công ty nội thất A đặt hàng thiết kế 1 bộ logo và tờ rơi cho họ.

b.    Khách hàng của bên đặt hàng (khách hàng gián tiếp): Trong ví dụ trên là người đến mua đồ nội thất của công ty A.

c.    Hình dung của người thiết kế về sản phẩm hoàn thiện sẽ ra sao: Ví dụ về mặt đồ họa sản phẩm hoàn thiện cần khỏe đẹp, sang trọng, ra được tính không gian của nội thất, về thực tế có hình thức khác với các sản phẩm cùng loại trên thị trường và bắt mắt, thu hút người tiêu dùng …

d.    Cách sản phẩm cần được hoàn thiện 1 cách khách quan: Là tiêu chí cần tránh bị áp đặt bởi sở thích riêng của người thiết kế cũng như người đặt hàng. Ví dụ phong cách thiết kế logo cần tránh lặp lại phong cách cũ kỹ ở khu vực về tạo hình, về màu sắc. Cần thêm vào những yếu tố đột phá, mới lạ theo xu hướng của thế giới …

–      Xây dựng ý tưởng cần bám sát sản phẩm. Bất cứ lúc nào cũng phải xác định được, thậm chí đọc ngay ra được vài từ cơ bản nhất về đặc tính sản phẩm ấy. Ví dụ KOMATSU là khỏe khoắn, hiện đại – vì công ty này chuyên về thiết bị tải công nghiệp hạng nặng như máy xúc,máy ủi…

3. Đưa ra ít nhất 1 dấu hiệu cụ thể và thống nhất cho toàn bộ sản phẩm:

Đây sẽ là bộ mặt giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và ghi nhớ sản phẩm lâu dài. Cụ thể như xác định trước 1 bộ tối thiểu 3 mã màu cơ bản có thể là gồm 1 màu đậm, 2 màu trung gian 1 nóng 1 lạnh hay 1 màu sáng; hay xác định 1 họa tiết gắn liền với thương hiệu. Ví dụ Viettel có hình 2 đường cong màu vàng – xanh ôm ngược chiều nhau, hay Coca-cola có hình sóng lượn màu trắng kèm theo các chấm tròn quen thuộc, Ford là màu xanh dương, Honda là đỏ và đen …

4. Học thuộc và nắm rõ những từ cơ bản nhất miêu tả về sản phẩm:

Như đã nói ở trên, việc thường xuyên nhắc đến các đặc tính quan trọng của sản phẩm sẽ giúp thiết kế tập trung hơn, tránh được việc đi xa trọng tâm, thường là do ý muốn chủ quan bị cuốn vào giao diện làm việc trong lúc thiết kế.

Việc chỉ xây dựng ý tưởng trên máy tính sẽ làm sản phẩm dễ mất đi tính thực tế, khó khả thi. Ví dụ trên thị trường không có decal màu vàng – xanh như của Viettel, như vậy sẽ rất tốn kém trong việc nhiều biển hiệu phải thay thế từ decal sang bằng sơn. Hay 1 bộ namecard quá nhiều màu sẽ khó in và giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên rât cao, khách hàng sẽ không đồng ý…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN